Mùa thu, mùa của những chiều nắng và cơn mưa giao mùa, mùa của hồng đỏ, của cốm xanh, của bánh nướng bánh dẻo, của ấu thơ cũ kỹ mà đẹp đẽ. Có thể nói, tháng 8 là thời điểm đẹp nhất, náo nhiệt nhất của mùa này, khi trẻ con ai nấy cũng đều rất háo hức, đường phố thì nhộn nhịp, người người đi mua bánh, hoa quả, mua cả những chiếc đèn ông sao hay đèn lồng bé xinh, chờ mong đến Tết Trung thu... Con phố Hàng Mã Hà Nội cũng đã trang hoàng lộng lẫy với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc sặc sỡ ngay từ những ngày đầu của tháng, khiến con người ta cảm nhận được cái không khí lễ hội đang tới gần.

Đối với đại gia đình ITC thì Trung thu luôn là dịp cho các ITCers nhí được vui chơi và có nhiều trải nghiệm thú vị, có thêm tiếng cười và cùng nhau sum vầy phá cỗ. Chính vì thế, Trung thu 2022 với chủ đề “Vui hội Trăng Rằm” đã được tổ chức thành công trong không khí thân mật, vui vẻ và ấm cúng ngay tại tòa nhà công ty sáng ngày 10/9 vừa qua.

Hình ảnh: Các bé và mâm ngũ quả Trung thu được chuẩn bị rất chu đáo và đẹp mắt

Hướng tới sự sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của ngày lễ này, các bé nhà ITC đã được trải nghiệm một loạt các trò chơi thú vị, tham gia vào workshop “Đèn lồng cảm ứng 4.0" hay nặn tò he - một đồ chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ trẻ em Việt Nam.

Khởi đầu chương trình, nhằm khuấy động bầu không khí và giúp các bé kết nối, tương tác với nhau, “chú Cuội” đã hướng dẫn các bé chơi trò chơi với bóng bay. Các bé xếp thành vòng tròn, tay bé cầm lấy viền của tấm vải lớn với rất nhiều bóng bay bên trên, và theo nhịp hô 1-2-3 cùng nhau hất bóng ra khỏi tấm vải. Trò chơi thú vị này đòi hỏi các bé cần khéo léo, nghe theo hiệu lệnh và phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hình ảnh: Các bé háo hức tham gia trò chơi “warm up”

Ngay sau đó, các bé có dịp được tìm hiểu nguồn gốc ngày lễ Trung thu, vì sao lại có ngày lễ này thông qua 1 bộ phim hoạt hình ngắn: Sự tích Tết Trung Thu. Với những nét vẽ tinh nghịch mà không kém phần gần gũi thân thương, cốt truyện nhẹ nhàng, dễ hiểu khiến các con say sưa, chìm đắm vào bộ phim và hiểu rõ hơn về nét văn hóa truyền thống của dân tộc: Tết Trung thu – Tết đoàn viên.

Hình ảnh: Các bé chăm chú theo dõi phim hoạt hình: Sự tích Tết Trung Thu

Tiếp nối chương trình, để khởi động cho workshop “Đèn lồng cảm ứng 4.0”, các bé sẽ cùng nhau tham gia trò chơi “Xếp gỗ”. Mỗi bé sẽ được phát một bộ gồm 9 miếng gỗ cắt thành những hình thù khác nhau, sau khi chú Cuội đưa ra hình minh họa, các bé cần sử dụng trí tưởng tượng phong phú của mình ghép các miếng gỗ đó lại sao cho giống với hình mẫu được đề ra trong thời gian ngắn nhất. Từ những hình vô cùng đơn giản như hình vuông, quả táo đến ngôi nhà, cái thuyền, các bé bắt nhịp nhanh chóng và thể hiện sự thông minh, nhanh nhẹn và sáng tạo của mình.

Hình ảnh: Các bé rất hăng say chơi trò chơi “Xếp gỗ”

Sau khi được lắng nghe sự tích trung thu, chơi trò chơi xếp gỗ thì giờ đây mới là phần quan trọng nhất của chương trình “Vui hội Trăng Rằm”. Các bé sẽ được chia làm 2 nhóm tham gia 2 hoạt động: Làm đèn lồng 4.0 và nặn tò he. Với các bé lớn hơn sẽ tham gia làm đèn lồng còn với các bạn bé hơn sẽ được hướng dẫn nặn chú tò he với nhiều hình thù và kiểu dáng khác nhau.

Hình ảnh: Các bé chăm chú làm đèn lồng và xem cô giáo nặn tò he

Nếu như ngày xưa là đèn lồng giấy, đèn lồng từ vỏ lon bia, hay bây giờ khắp nơi là đèn lồng điện tử, chạy bằng pin, biết phát nhạc thì chiếc đèn lồng gỗ 4.0 này lại là một sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại và vô cùng an toàn cho bé.

Hình ảnh: Chiếc đèn lồng 4.0

Các bé được tự tay tham gia làm đèn lồng cho mình, từ cưa cắt, đóng đinh đến lắp đặt thiết bị cảm ứng ánh sáng để chế tạo ra một chiếc lồng đèn 4.0. Không những thế, chiếc lồng đèn này rất thông minh, nó có thể tự sáng khi trời tối, tự tắt đèn khi trời sáng này, cũng có thể tự bật đèn khi chúng ta chạm tay vào và tắt đèn khi không chạm tay nữa. Quả là chiếc lồng đèn thần kỳ! Đặc biệt hơn, các bé có thể thỏa thích trang trí cho chiếc đèn lồng đặc biệt của mình với đủ loại giấy màu và sticker, tạo nên chiếc đèn lồng độc nhất vô nhị của riêng mình. 

Hình ảnh: Thành quả chiếc đèn lồng mà các bạn nhỏ tự tay đóng

Trong khi các anh chị lớn đang mải mê cưa gỗ, đóng đinh, thì các em bé nhà ITC lại được cô giáo hướng dẫn nặn tò he từ bột gạo nếp đủ màu. Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt, tuy nhiên, còn khá xa lạ với những em bé sinh ra vào thời đại số, đã quen với các trò chơi hiện đại. Chính vì thế, các con vô cùng háo hức khi được trải nghiệm hoạt động này, sôi nổi biến hóa những cục bột nếp màu mè thành những ngôi sao năm cánh, bông hoa sặc sỡ…

Hình ảnh: Các bé thích thú nặn tò he và khoe những tác phẩm của mình

Hình ảnh: Các bé cùng nhau phá cỗ Trung Thu

Kết thúc chương trình “Vui hội Trăng Rằm”, các bé đã có những giây phút tràn ngập tiếng cười, những trải nghiệm đáng nhớ và còn mang về tặng bố mẹ những tác phẩm ấn tượng và độc đáo do chính tay mình làm trong dịp lễ Trung Thu này. Mong rằng các bé của đại gia đình ITC luôn vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc, trở thành niềm tự hào của gia đình và bố mẹ và hẹn gặp lại các bé vào mùa Trung thu năm sau nhé!